Trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ ngày 31.10,ảnhbáonguycơtấncôngtạiMỹbiệtkíchMỹgiúpIsraelcứ88online Giám đốc FBI đánh giá rằng hành động của Hamas và đồng minh sẽ là nguồn cảm hứng cho các nhóm tương tự chưa từng được nhìn thấy từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố lập ra cái gọi là "vương quốc Hồi giáo" nhiều năm trước, theo AP.
Ông Wray cho biết chỉ trong vài tuần qua, nhiều tổ chức khủng bố nước ngoài đã kêu gọi tấn công người Mỹ và phương Tây. Theo lãnh đạo FBI, cơ quan đã nhìn thấy sự gia tăng các vụ tấn công các căn cứ quân sự Mỹ và dự báo các cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng Mỹ sẽ tồi tệ hơn khi xung đột tại Trung Đông mở rộng.
"Đây là thời điểm đáng lo ngại. Chúng ta đang trong giai đoạn nguy hiểm. Chúng ta không nên ngưng ra ngoài nhưng vẫn nên cảnh giác", ông Wray nói. Mặt khác, vị giám đốc cho hay người Do Thái chỉ chiếm 2,4% dân số Mỹ nhưng đang là mục tiêu của khoảng 60% các vụ phạm tội thù ghét vì lý do tôn giáo.
Trong cùng cuộc điều trần, Bộ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas cho biết đang xử lý các mối đe dọa ngày càng tăng nhắm vào người Do Thái, người Hồi giáo và người Ả rập tại Mỹ từ ngày 7.10.
Mỹ bổ nhiệm đại sứ tại Israel
Thượng viện Mỹ ngày 31.10 phê chuẩn cựu Bộ trưởng Tài chính Jack Lew làm đại sứ tại Israel, người được Tổng thống Joe Biden đề cử hồi tháng 9. Vị trí này bị bỏ trống từ tháng 7 khi ông Tom Nides từ nhiệm.
Hầu hết thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối phê chuẩn ông Lew bởi ông góp phần trong việc chốt thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, nước đối địch của Israel. Thỏa thuận quy định Iran ngừng chương trình hạt nhân để được dỡ bỏ một số lệnh cấm vận. Hồi năm 2018, Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa rút Mỹ khỏi thỏa thuận bị cho là tồi tệ này.
Thượng nghị sĩ Jim Risch, thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bỏ phiếu phản đối ông Lew vào vị trí đại sứ vì những sai lầm khi cho phép Iran tiếp cận thị trường tài chính Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ lại sắp đến Israel
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Israel vào ngày 3.11 để gặp các quan chức chính quyền, sau đó ghé thăm các địa điểm khác trong khu vực, Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. Đó sẽ là chuyến thăm thứ hai của ông Blinken từ khu xung đột Hamas-Israel bùng phát.
Trong ngày 31.10, ông Blinken đã điện đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog để kêu gọi hành động thận trọng nhằm bảo vệ dân thường. Trong phiên điều trần tại Thượng viện, ông Blinken cũng tiết lộ Mỹ đang bàn bạc với các nước khác về nhiều lựa chọn cho tương lai của Dải Gaza sau khi Hamas bị loại trừ.
Theo ông, phương án khả dĩ nhất là khôi phục thẩm quyền của chính quyền Palestine (PA), hiện do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo, đối với Dải Gaza. Tuy nhiên, nếu không được, "vẫn còn những dàn xếp tạm thời khác có thể liên quan nhiều nước trong khu vực", ông Blinken nói.
Biệt kích Mỹ đang giúp Israel
Hiện nay, Israel đang mở rộng tấn công tại Dải Gaza nhằm "xóa sổ" Hamas và giải cứu hơn 240 con tin. Tờ The New York Times dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết biệt kích Mỹ đang có mặt trên thực địa nhằm giúp Israel định vị con tin. "Chúng tôi đang tích cực giúp đỡ Israel làm nhiều việc. Nhiệm vụ chính là giúp họ nhận diện con tin, gồm những người Mỹ", Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Maier nói ngày 31.10.
Ông Maier không nói rõ số lượng binh sĩ nhưng các quan chức khác tiết lộ Mỹ đã cử nhiều chục binh sĩ trong những ngày gần đây. Lực lượng này sẽ phối hợp cùng chuyên gia của FBI, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác trong việc thảo luận cùng các đối tác Israel. Lực lượng biệt kích Mỹ không tham gia vai trò chiến đấu tại Israel, ông Maier nói.